Khủng hoảng của đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí tử chưa từng có xuống các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch sẽ là yếu tố quyết định sống còn cho tương lai của doanh nghiệp. Một số khái niệm sẽ thay đổi đặc biệt là mô hình chi phí. Một số chi phí từng được xem như chi phí cố định thì nay đổi thành chi phí biến đổi (như chi phí thuê văn phòng). Trong khi đó các chi phí về công nghệ để chuyển đổi số lại được xem như điều kiện tối thiểu để vận hành doanh nghiệp. Từ đó, sự trỗi dậy của thế hệ doanh nghiệp tinh gọn càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Doanh nghiệp tinh gọn (Lean Enterprise) là mô hình quản lý tiết kiệm, tối đa hóa giá trị cho khách hàng đồng thời giảm thiểu lãng phí.

Nguyên tắc của mô hình Doanh nghiệp tinh gọn

Theo James Womack và Daniel T. Jones ( hai nhà sáng lập của học viện Lean – LEI, tác giả của cuốn “Lean Thinking”), mô hình Doanh nghiệp tinh gọn có năm nguyên tắc chính, tương tự như Sản xuất tinh gọn (Lean Prodution)

  • Xác định giá trị của sản phẩm/dịch vụ : Đây là bước khởi đầu thiết yếu trong quản trị tinh gọn. Nếu doanh nghiệp của bạn xác định sai so với yêu cầu của khách hàng chính là đang lãng phí tài nguyên. Chính vì thế phải xác định đúng giá trị, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
  • Xác định chuỗi giá trị : bao gồm tất cả các hoạt động cần thiết để đưa sản phẩm/dịch vụ tới tay khách hàng, hay nói cách khác là xác định vòng đời của sản phẩm/dịch vụ (từ việc mua nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, giao hàng, khách sử dụng đển điểm kết thúc vòng đời sản phẩm), với mục đích xác định từng khâu xem hoạt động nào tạo giá trị, hoạt động nào lãng phí cần loại bỏ.
  • Thiết lập dòng chảy : để đảm bảo các hoạt động còn lại trong chuỗi giá trị lưu thông suôn sẻ nhằm đảm bảo đưa sản phẩm/dịch vụ đến tay khách hàng trong thời gian sớm nhất
  • Kéo : là nguyên tắc sản xuất sản phẩm theo đúng đơn đặt hàng của khách (đúng chủng loại, đúng số lượng, đúng thời gian) để giảm tối đa tồn kho, tránh lãng phí.
  • Hoàn thiện : Trong quá trình tinh gọn doanh nghiệp, tất cả các yếu tố gây lãng phí đều phải được loại bỏ liên tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu tối đa sai sót để hướng tới việc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất
Áp dụng mô hình Doanh nghiệp tinh gọn hậu Covid

Bản chất của mô hình doanh nghiệp tinh gọn là liên tục cải tiến hệ thống, sản phẩm và quy trình. Với bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào có thể hoàn toàn kết thúc, dưới đây là những đề xuất phương pháp áp dụng quản trị tinh gọn vào để gỡ rối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  • Đảm bảo khoảng cách tại nơi làm việc :Quản trị tinh gọn 5S ( Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ - Săn sóc – Sẵn sàng) là mô hình lý tưởng áp dụng để có thể đảm bảo sức khỏe cho nhân viên, thuận lợi, tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc, nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống.
  • Quản trị nhân lực tinh gọn: tái cấu trúc đội ngũ nhân sự theo hướng tinh gọn, tối ưu, tận dụng tối đa nguồn lực làm việc bán thời gian để tăng hiệu quả.
  • Quản lý trực quan : đây là một trong các công cụ và phương pháp áp dụng trong sản xuất tinh gọn, cho phép truyền đạt những thông tin quan trọng tại nơi làm việc bằng các công cụ trực quan thay vì văn bản, giúp người tiếp nhận thông tin dễ dàng tiếp nhận, theo dõi và quản lý tốt hơn.
  • Xây dựng hệ thống SCM ( Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng)  kết hợp với JIT ( Đúng sản phẩm – Đúng số lượng – Đúng thời gian – Đúng nơi cần thiết ) : giảm tối đa tồn kho, thời gian chờ đợi, chi phí phát sinh và tăng doanh thu.

Thay đổi để tồn tại và giảm thiểu tối đa rủi ro trước những tình huống bất khả kháng như đại dịch Covid là con đường duy nhất mà các doanh nghiệp phải lựa chọn. Hy vọng những thông tin do chúng tôi tổng hợp được ở trên sẽ giúp ích cho doanh nghiệp của bạn!

Tham khảo

Sciendo, Aicha Farissi và cộng sự

Lean Thinking, James P. Womack và Daniel T. Jones