Theo Tổng Cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại dịch Covid-19 đã thổi bay hơn 85,5 nghìn doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có khoảng 10,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là bên cạnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập và 32,4 nghìn doanh nghiệp quay lại hoạt động, trung bình mỗi tháng có 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập và quay lại hoạt động.

Khởi nghiệp tinh gọn – Trong nguy có cơ

Covid gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, mang đến sự bất ổn kéo dài nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Eric Ries, một trong những người tiên phong cho phong trào khởi nghiệp tinh gọn, tác giả cuốn sách The Lean Startup (Khởi nghiệp tinh gọn) cho biết “ Thời điểm tốt để trở thành doanh nhân là khi mọi người cố gắng tìm lối thoát. Thế nên thời điểm tuyệt vời để khởi sự kinh doanh đã sắp đến.”

Có rất nhiều các startup trẻ dám nghĩ dám làm, tìm ra được những sản phẩm và công nghệ phù hợp với những thay đổi đại dịch gây ra với thói quen người tiêu dùng. Và mô hình khởi nghiệp tinh gọn là giải pháp phù hợp được các start-up lựa chọn, để tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro không mong muốn. Mô hình này đi theo hướng đơn giản, thật “tinh gọn”, tập trung vào việc đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất, sau đó đo lường và cải tiến sản phẩm, coi khách hàng là một phần tạo nên sản phẩm.

Thực tế đã có nhiều startup ra đời ngay giữa thời kỳ dịch bệnh. Startup thiết bị y tế iTemp của anh Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare thực hiện là một case study điển hình. Sản phẩm của iCare là một thiết bị nhỏ gọn, an toàn, tiện lợi mang tên, có thể gắn lên người để giám sát và theo dõi nhiệt độ từ xa liên tục, được kết nối với smart phone qua sóng bluetooth, khi nhiệt độ lên cao đến ngưỡng được cài đặt thì điện thoại sẽ phát âm cảnh báo liên tục. Với tính ứng dụng cao trong đời sống, thiết bị đơn giản, đặc biệt hữu ích đối với các bà mẹ có con nhỏ, sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Mới đây, dự án khởi nghiệp Thiết bị theo dõi và phần mềm quản lý sức khỏe gia đình này của iCare đã được Shark Bình rót vốn 100.000 USD để liên doanh cùng phát triển.

Covid-19 là cơn ác mộng của nhiều doanh nghiệp. Nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho người biết nắm bắt. Vậy để khởi nghiệp thành công, hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng một mô hình khởi nghiệp tinh gọn một các phù hợp nhất.

Vũ Thu Huyền, F1 Plus Team.

Khởi nghiệp tinh gọn không chỉ áp dụng cho các công ty nhỏ. Trên thế giới đã có rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi đã áp dụng thành công mô hình Khởi nghiệp tinh gọn. Khi không có tiền khởi nghiệp, Dropbox đã bắt đầu với một video truyền hình dài ba phút cho người tiêu dùng thấy dịch vụ hoạt động như thế nào. Video không chỉ thu hút lượng người xem ban đầu mà các nhận xét về video cho phép Dropbox thu thập phản hồi mà công ty đã sử dụng để định hình phát triển sản phẩm. Trong 15 tháng, Dropbox đã tăng từ 100.000 người đăng ký lên hơn 4 triệu.

Với khởi nghiệp tinh gọn, khách hàng là thượng đế

Đại dịch Covid đã khiến doanh nghiệp hiểu rõ sâu sắc hơn về sự thích ứng. Doanh nghiệp nào thích ứng nhanh được với sự biến đổi của hành vi khách hàng do đại dịch gây ra thì mới có thể tồn tại. Chú trọng trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm được chọn là mục tiêu cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Dưới đây là 4 yếu tố giúp doanh nghiệp thực sự lấy khách hàng làm trung tâm

  • Suy nghĩ trên cương vị của khách hàng để thấu hiểu khách hàng, nhìn nhận sự việc từ quan điểm của khách hàng
  • Cung cấp giải pháp chứ không chỉ là sản phẩm/dịch vụ  để đảm bảo trải nghiệm lâu dài của khách hàng được tối ưu hóa, phát triển sản phẩm/dịch vụ từng ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
  • Tập trung vào giá trị trọn đời của khách hàng : Thay vì chỉ tập trung vào duy nhất mong muốn trước mắt của khách hàng, doanh nghiệp còn phải chủ động nghiên cứu và bổ sung thêm những tiện ích trước cả khi khách hàng nhận ra họ thật sự cần chúng
  • Chủ động thay vì phản ứng : Thay vì đuổi theo khách hàng, tìm cách hài lòng tất cả mọi khách hàng, doanh nghiệp nên tập trung vào khách hàng cốt lõi, xác định nhu cầu và giải quyết nhu cầu cho khách hàng.